Cắm trại đêm có thể mang lại những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ cho những người yêu thích các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, để có một chuyến cắm trại qua đêm suôn sẻ và vui vẻ, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, trong và sau chuyến đi. Hãy cùng tìm hiểu về những kinh nghiệm quý báu để có một chuyến cắm trại đêm đáng nhớ nhé!
1. 5 Kinh Nghiệm Trước Khi Đi Cắm Trại Đêm
Trước khi khởi hành, bạn cần nắm vững những kiến thức và kinh nghiệm quan trọng để đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất. Dưới đây là 5 kinh nghiệm quan trọng trước khi đi cắm trại đêm:
1.1. Xác định Địa Điểm Cắm Trại Đêm Phù Hợp
Việc xác định địa điểm cắm trại đêm phù hợp là bước quan trọng nhất trong kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi cắm trại của bạn. Bạn cần nghiên cứu kỹ về nơi bạn định cắm trại, bao gồm các quy định cắm trại, phí cắm trại (nếu có), và tình trạng môi trường, cơ sở vật chất của khu cắm trại. Ngoài ra, bạn nên ưu tiên chọn địa điểm cắm trại gần nguồn nước và cơ sở vệ sinh công cộng để dễ dàng giải quyết các nhu cầu cơ bản.
Nếu bạn đi cắm trại tự túc lần đầu hoặc có trẻ con theo cùng, bạn nên ưu tiên những địa điểm cắm trại phổ biến, gần dân cư và tránh những địa điểm hoang vu như rừng, núi để đảm bảo sự an toàn cho bạn và các thành viên trong nhóm.
Nếu nhóm cắm trại của bạn yêu thích mạo hiểm và khám phá, thì trong nhóm nên có những người có kinh nghiệm hoặc bạn có thể thuê một hướng dẫn viên đi cùng để đảm bảo an toàn cho chuyến đi của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các điểm cắm trại phù hợp với sở thích của mình như Núi Bà Đen ở Tây Ninh, Tà Xùa tại Sơn La, hoặc hồ thủy điện Na Hang ở Tuyên Quang.
Bạn cũng cần phải kiểm tra thời tiết trước khi lựa chọn địa điểm cắm trại để có thể chuẩn bị dụng cụ và trang phục đi kèm hợp lý. Ví dụ, trong mùa mưa hoặc khi thời tiết lạnh, nên tránh việc cắm trại trong rừng vào ban đêm, đặc biệt là nếu bạn là người mới. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc lựa chọn các khu du lịch sinh thái gần hồ, đồi thoải hơn để đảm bảo trải nghiệm cắm trại thú vị và an toàn hơn.
1.2. Lên Danh Sách Dụng Cụ Cần Thiết Cho Cắm Trại Đêm
Dưới đây là danh sách những dụng cụ bạn nên mang cho một chuyến cắm trại đêm:
-
Lều trại: Lều cắm trại là một dụng cụ quan trọng và thiết yếu cho trải nghiệm cắm trại qua đêm. Bạn nên chọn lều phù hợp với số lượng người cắm trại trong nhóm của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên đảm bảo rằng lều có màng chống nước để bảo vệ bạn khỏi mưa và đọng sương. Đặc biệt, hãy kiểm tra kỹ lều trước khi đi để đảm bảo nó không bị rách hoặc hỏng.
-
Túi ngủ và chăn gối ngủ: Nếu nhiệt độ ngoài trời vào ban đêm dao động từ 15°C – 20°C, bạn nên mang túi ngủ đi kèm để có thể giữ ấm cho cơ thể khi ngủ trong lều trại. Trong trường hợp thời tiết không quá lạnh hay nhiệt độ ngoài trời cao hơn 25°C, bạn có thể chỉ cần mang theo gối và chăn mỏng để không bị quá nóng và cảm thấy thoải mái hơn.
-
Đèn pin và đèn trạm: Đèn pin và đèn trạm là các thiết bị quan trọng, giúp chiếu sáng cho các hoạt động trong chuyến cắm trại qua đêm. Bạn nên chọn loại đèn pin và đèn trạm với ánh sáng mạnh, thời gian sử dụng dài, và kích thước nhỏ gọn để dễ dàng di chuyển xung quanh khu vực cắm trại vào ban đêm. Bạn cũng nên kiểm tra kỹ pin và nhớ sạc đầy đèn trước khi lên đường để đảm bảo chúng hoạt động tốt xuyên suốt chuyến đi.
-
Bếp nấu ăn và đồ dùng nấu ăn: Tùy theo thực đơn mà bạn cần mang theo nồi nấu, đĩa, bát, đũa, dao, và các đồ dùng nấu ăn cần thiết như bật lửa, nắp nồi, bát đựng thức ăn, nắp đậy thức ăn, và bình đựng nước. Bạn có thể tự mang các vật dụng nấu nướng sẵn từ nhà hoặc thuê tại địa điểm cắm trại để bớt cồng kềnh khi di chuyển.
-
Nước uống và thực phẩm: Đi cắm trại ăn gì? Bạn nên sử dụng thực phẩm dễ bảo quản và nấu nướng ngoài trời như thực phẩm đóng hộp, thịt đóng gói kín, thực phẩm sấy khô và thực phẩm không cần lạnh. Ngoài ra, các loại thực phẩm nên được bảo quản với túi đá hoặc hộp đá lạnh để chúng luôn tươi ngon và tránh bị nhiễm khuẩn.
-
Đồ vệ sinh cá nhân: Các đồ dùng vệ sinh cá nhân, bao gồm bàn chải đánh răng, xà phòng, khăn mặt, bông tẩy trang cũng rất cần thiết cho một chuyến cắm trại đêm. Chú ý mang đủ số lượng và bảo quản những vật dụng này trong hộp hoặc túi chống nước để đảm bảo chúng không bị hỏng trong quá trình cắm trại.
-
Bản đồ và thiết bị dã ngoại: Nếu bạn cắm trại ở những nơi hẻo lánh và ít người qua lại, hãy mang theo bản đồ khu vực, la bàn hoặc máy GPS. Những thiết bị này giúp bạn xác định vị trí của mình, tránh bị lạc khi mất sóng điện thoại.
1.3. Lựa Chọn Trang Phục Phù Hợp Cho Cắm Trại Đêm
Kinh nghiệm đi cắm trại qua đêm về lựa chọn trang phục là bạn nên ưu tiên những trang phục có trọng lượng nhẹ để thuận tiện cho việc di chuyển. Nếu nhiệt độ ban đêm xuống thấp, bạn có thể mang những bộ quần áo có chất liệu như len, cotton và da để giữ ấm tốt hơn, giúp bạn cảm thấy thoải mái và an toàn khi cắm trại vào ban đêm.
Ngoài những trang phục cơ bản, bạn cũng có thể mang kèm theo các phụ kiện như mũ, kính râm, và kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV nếu cắm trại qua đêm vào mùa hè.
Lưu ý: Nên lựa chọn những bộ trang phục thoải mái, vừa vặn để dễ dàng di chuyển. Ưu tiên những đôi giày thể thao và giày đế bằng để không bị đau chân khi đi đường dài.
1.4. Kiểm Tra Điều Kiện Thời Tiết Và Phương Tiện Di Chuyển
Trước khi chọn ngày cắm trại, bạn hãy kiểm tra dự báo thời tiết cho khu vực bạn sẽ đến. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng dự báo thời tiết trực tuyến hoặc theo dõi các trang web dự báo thời tiết để biết liệu có dự báo mưa, gió mạnh, hay bất kỳ thay đổi nào trong thời tiết.
Bạn cũng nên lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp với địa hình và khoảng cách của nơi cắm trại. Nếu đi bằng xe máy hoặc xe đạp, bạn cũng cần kiểm tra động cơ, lốp xe, hệ thống phanh, và đèn chiếu sáng để đảm bảo phương tiện di chuyển ở trong tình trạng tốt nhất.
Đồng thời, bạn cũng cần chuẩn bị đủ nhiên liệu và mạng theo các dụng cụ sửa chữa cơ bản như bộ đồ nghề, bơm lốp, và bộ đèn pin để dự phòng các tình huống khẩn cấp. Nếu bạn đi bằng xe buýt hoặc tàu hỏa, bạn nên xem lịch trình và giá vé của các chuyến đi.
Lưu ý: Nếu có dự báo thời tiết xấu như mưa lớn hoặc bão, hãy cân nhắc hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch cắm trại của bạn, hoặc lựa chọn khu vực có thời tiết ôn hòa hơn để đảm bảo an toàn.
1.5. Chú Ý Tình Trạng Sức Khỏe Của Các Thành Viên
Trước khi khởi hành, bạn cần thảo luận với các thành viên trong nhóm về các tình trạng sức khỏe đặc biệt cần lưu ý như say xe hay dị ứng trước khi lên thực đơn hoặc lựa chọn hình thức di chuyển đến nơi cắm trại. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm đi cắm trại của bạn cũng cần trang bị các dụng cụ y tế cơ bản như băng gạc, thuốc đau bụng, đau đầu… cho các tình trạng y tế cụ thể (nếu có).
Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến tình trạng tinh thần của mọi người trong nhóm. Bạn có thể chủ động mang theo các đồ dùng giải trí như sách, hoặc loa nghe nhạc để giúp cả nhóm thư giãn và nâng cao tinh thần trong suốt chuyến cắm trại.
2. 4 Kinh Nghiệm Đi Cắm Trại Qua Đêm Thoải Mái Và An Toàn
Cắm trại qua đêm có thể đem lại những trải nghiệm đáng nhớ nếu bạn biết cách tổ chức và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Dưới đây là 4 kinh nghiệm quý báu giúp bạn có một cuộc cắm trại đêm thoải mái và an toàn:
2.1. Dựng Khu Cắm Trại Và Đốt Lửa Trại Trước Khi Trời Tối
- Lựa chọn vị trí cắm trại: Khi vừa tới điểm cắm trại, hãy nhanh chóng chọn một vị trí phù hợp để cắm cọc, dựng lều và đốt lửa trước khi trời tối để giữ ấm cho cơ thể và chuẩn bị cho bữa ăn. Bạn nên chọn một khu vực bằng phẳng, có đủ không gian, gần bóng cây và nguồn nước hoặc các khu vực dịch vụ để tiện đi lại. Bạn cũng cần chú ý các vị trí tránh hướng gió thổi vào lều và có thể ngắm được bầu trời đêm.
2.2. Bảo Quản Đồ Ăn Trong Thùng Xốp Hoặc Thùng Giữ Nhiệt
Khi bạn đi cắm trại qua đêm, việc bảo quản thức ăn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng bạn và đồng đội có bữa ăn an toàn và thơm ngon. Thùng xốp và thùng giữ nhiệt là hai lựa chọn phổ biến để bảo quản thịt, rau củ, sữa, và các loại thức ăn tươi sống khác cho mỗi chuyến cắm trại dài ngày. Thùng giữ nhiệt, thường được sử dụng cho thức ăn nóng như cháo, súp ấm lâu hơn.
Ngoài ra, Khi bạn sắp xếp thức ăn trong thùng xốp hoặc thùng giữ nhiệt, hãy đảm bảo rằng chúng được đặt cẩn thận, giúp hạn chế va chạm trong quá trình di chuyển. Bạn nên ngăn cách giữa đồ ăn chín – sống và ghi nhãn từng loại để kiểm soát thời hạn sử dụng.
2.3. Tham Gia Những Hoạt Động Vui Chơi Bên Lửa Trại
Đi cắm trại qua đêm là một cơ hội tuyệt vời để bạn và nhóm bạn gắn kết và tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Bạn có thể tham gia những hoạt động team building thú vị như:
-
Ca hát và chia sẻ câu chuyện: Bạn có thể mang theo đàn guitar, ukulele hoặc loa di động để hát những bài hát yêu thích cùng nhóm bạn. Bạn cũng có thể tổ chức những trò chơi âm nhạc như karaoke, đoán tên bài hát, v.v. để tăng thêm phần hứng khởi.
-
Chụp hình: Bạn có thể sử dụng máy ảnh, điện thoại hoặc máy quay để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của chuyến cắm trại. Bạn có thể chụp ảnh cùng nhóm bạn, bãi biển, hoặc những cảnh đẹp xung quanh.
-
Ngắm sao: Nếu cắm trại đêm vào mùa hè, bạn có thể tận dụng cơ hội ngắm sao bên lửa trại cùng những người thân yêu. Hoạt động này rất phù hợp với nhóm cắm trại qua đêm ít người hoặc cặp đôi nhằm tăng thêm sự thân mật của cả nhóm.
-
Các trò chơi trí tuệ hoặc board games: Các trò chơi như nối chữ, cờ Tỷ Phú, cờ cá ngựa, Uno, ma sói… cũng rất thích hợp trong không khí màn đêm tại các khu cắm trại bởi trải nghiệm hồi hộp và gay cấn mà chúng mang lại. Bạn cũng có thể treo giải thưởng cho người thắng cuộc để tăng phần hào hứng cho người chơi.
2.4. Chú Ý An Toàn Khi Ngủ Qua Đêm Trong Lều Trại
Khi bạn quyết định ngủ qua đêm trong trại tại các địa điểm hoang sơ như bờ suối, ven rừng, việc đảm bảo an toàn cũng là điều quan trọng mà bạn cần chú ý:
-
Bôi thuốc chống muỗi lên da: Muỗi và côn trùng có thể làm phiền giấc ngủ của bạn. Trước khi đi ngủ, hãy bôi kem hoặc xịt thuốc chống muỗi lên da để tránh các bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.
-
Đóng kín lều trại: Lều cắm trại của bạn phải được đóng kín để ngăn côn trùng và các loài gây phiền phức khác xâm nhập. Hãy kiểm tra kỹ cửa ra vào và cửa sổ trên lều để đảm bảo chúng đóng hoàn toàn. Nếu có lỗ hoặc lều bị rách, bạn hãy sử dụng băng dính đen hoặc vá chúng lại trước khi đi ngủ.
-
Bảo vệ tài sản cá nhân: Các đồ vật quan trọng như điện thoại di động, ví tiền, giấy tờ cá nhân và đồ cá nhân nên được giữ gần bạn trong túi ngủ hoặc trong lều trại để tránh bị lấy cắp hoặc để quên.
-
Giữ ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh: Nếu cắm trại trong thời tiết lạnh, hãy mang theo túi ngủ, mặc áo giữ nhiệt, và nón trùm đầu trước khi ngủ.
3. 3 Kinh Nghiệm Sau Khi Kết Thúc Một Chuyến Cắm Trại Đêm Đáng Nhớ
Sau khi kết thúc một chuyến cắm trại đêm đáng nhớ, để có một trải nghiệm trọn vẹn, có một vài việc quan trọng bạn sẽ cần phải thực hiện như kiểm tra hành trang trước khi về, thu dọn rác và tổng kết chi phí.
3.1. Kiểm Tra Lại Hành Trang Trước Khi Ra Về
Trước khi nói lời tạm biệt khu cắm trại, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng hành trang của mình và các thành viên trong nhóm. Điều này sẽ giúp bạn tránh trường hợp quên đồ sau khi rời đi. Một cách đơn giản và hiệu quả để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ vật dụng nào là lập trước danh sách các đồ dùng quan trọng và kiểm kê lại một lượt trước khi ra về.
3.2. Thu Dọn Rác Trước Khi Về
Một việc quan trọng khác trước khi kết thúc một chuyến cắm trại là thu dọn rác. Cho dù tại địa điểm cắm trại của bạn có hay không có quy định về việc thu dọn rác, hãy chủ động nhắc nhở những người trong nhóm cùng thu dọn sạch sẽ trước khi ra về. Việc này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn duy trì khu cắm trại luôn sạch đẹp để cho những người khác cũng có trải nghiệm tốt khi tới đây. Đừng quên phân loại rác hữu cơ và vô cơ thành các túi đựng riêng rồi tập kết ở đúng nơi quy định.
3.3. Tổng Kết Chi Phí Chuyến Đi
Cuối cùng, sau khi về đến nhà, bạn nên tổng kết chi phí chuyến đi và chia sẻ cho các thành viên trong đoàn. Điều này không chỉ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngân sách đã chi của mình mà còn là cơ hội đúc rút kinh nghiệm cho những chuyến đi sau này.
Cắm trại đêm là một trải nghiệm đáng nhớ, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, nhóm bạn một cách nhanh chóng và đem lại thời gian thư giãn cho bản thân. Mong rằng với những kinh nghiệm chuẩn bị trước, trong và sau buổi cắm trại trên đây, bạn và những người thân yêu sẽ có được chuyến đi thoải mái và an toàn.
Võ Quỳnh Chi là một nhà sáng lập và điều hành tại Vietnam Outfitter, với sứ mệnh mang đến những trải nghiệm ngoài trời tuyệt vời nhất tại Việt Nam. Với niềm đam mê sâu sắc với thiên nhiên và các hoạt động phiêu lưu, Chi đã dành nhiều năm nghiên cứu và trang bị cho các chuyến đi khám phá đầy thử thách và ý nghĩa. Xem thêm!